Những bộ hồ sơ dày cộp theo năm tháng, những khuôn mặt mệt mỏi, một số người không nén nổi cảm xúc bật khóc ngay tại chỗ… Hội trường phải kê thêm nhiều hàng ghế phục vụ người dân từ nhiều chung cư trên địa bàn TP.HCM đến tham dự khi nghe tin có buổi tọa đàm “Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?” do Báo Thanh Niên tổ chức hôm qua 11.3.
BQT lộng quyền, chiếm cả nhà dân
Vừa đứng lên phát biểu, bà Nguyễn Thị Châm (76 tuổi), chủ sở hữu 3 căn hộ tại chung cư Phú Hoàng Anh (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, TP.HCM) không kìm nổi nước mắt khi nói về câu chuyện 4 năm ôm sổ hồng đi đòi nhà của chính mình. Bà Châm cho biết 3 căn hộ tại Phú Hoàng Anh do con trai bà mua đã được Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM cấp sổ hồng cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phú Hoàng Anh từ ngày 14.1.2017.
Sau đó, chủ đầu tư đã sang tên sổ hồng cho con trai bà là Đỗ Hoàng Hưng. Tiếp đó, người con trai tặng lại cho bà để dưỡng già. Tuy nhiên, ban quản trị (BQT) lại không mở cửa cho bà vào nhận nhà.
Cầm trên tay giấy tờ sở hữu những căn hộ của mình, bà Châm bật khóc: “4 năm qua, tôi ôm sổ hồng, giấy tờ ủy quyền của con cho, một mình đi gõ cửa không biết bao nhiêu cơ quan, từ BQT tòa nhà, đến UBND xã, UBND H.Nhà Bè, Thanh tra Sở Xây dựng, Ban Giám đốc Sở Xây dựng… Mỗi tờ đơn tôi gửi đi, mất 2 – 3 tháng mới nhận được trả lời, mang về nộp tại UBND H.Nhà Bè để nhờ can thiệp… Thế nhưng, đến lúc này, BQT vẫn nhất định không mở cửa cho tôi vào nhà, đổ keo vào ổ khóa, khóa luôn hai đầu cầu thang bộ thoát hiểm, lột bỏ luôn nút ấn thang máy lên tầng 2 nhà tôi… chặn mọi đường không cho tôi lên nhà mình. Mặt khác, BQT còn mị dân, kêu gọi người dân phản đối việc nhận nhà của tôi, ngang nhiên nói nhà của tôi thật ra là nhà văn hóa cộng đồng, thuộc sở hữu của cư dân sống tại chung cư…”.
Hội thảo do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 11.3 thu hút đông đảo người dân tham gia
|
Vì quá xúc động, bà Châm phải xin phép ngồi nghỉ trước khi có thể phát biểu tiếp. Sau khi lấy bình tĩnh, bà Châm trình bày tiếp: “Tôi còn nhớ năm 2018, huyện mời tôi ra họp, báo là BQT sẽ “trả nhà” cho tôi. Lịch họp 8 giờ, tôi ra đó từ 7 giờ, nhưng anh Cường (Phạm Cường – Trưởng ban Quản lý chung cư Phú Hoàng Anh) nói không cho tôi vào họp. Tôi ngồi chờ ngoài sân đến 12 giờ trưa rồi sau đó nhận câu trả lời là không trả nhà… Thậm chí, cán bộ huyện còn khuyên tôi có thể “phá khóa” vào nhà, nhưng tôi không làm vậy. Tôi muốn mọi cái làm đúng pháp luật và ai làm sai, phải chịu trách nhiệm với hành vi của họ”.
Rất nhiều cư dân đang sinh sống tại chung cư The Central Garden (328 Võ Văn Kiệt, P.Cô Giang, Q.1) có mặt tại buổi tọa đàm hôm qua cũng không kìm được nước mắt sau thời gian dài sống khốn khổ ngay giữa trung tâm TP cũng vì BQT.
Bà Đỗ Thị Ngọc Oanh, đại diện dân cư The Central Garden, bức xúc: Không chỉ xảy ra nhiều mâu thuẫn giữa dân cư và BQT hiện tại mà những hộ dân ở đây còn dính thêm rất nhiều vấn đề liên quan đến chủ đầu tư cũ, trở thành “nỗi đau” dai dẳng kéo dài suốt 10 năm qua. Cụ thể, BQT hoạt động chưa được bao lâu thì mất đoàn kết nghiêm trọng, nội bộ chia thành 2 nhóm: 1 nhóm bảo vệ quyền lợi cư dân và 1 nhóm bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư cũ – Công ty Chương Dương (được gọi là nhóm lợi ích). Nhóm lợi ích cấu kết với chủ đầu tư, được đơn vị này hậu thuẫn nên lộng quyền. Từ ngày thành lập 30.8.2018, BQT chưa tổ chức một hội nghị nhà chung cư thường niên nào theo đúng quy định, chưa bao giờ đối thoại với dân cư mặc dù liên tục được yêu cầu. Đáng nói, không họp dân cư nhưng trưởng BQT đã tự ý mang danh cá nhân ký các văn bản gửi cơ quan chức năng, ký các hợp đồng trái pháp luật như hợp đồng bảo trì thang máy… Dân cư nhiều lần gửi văn bản lên P.Cô Giang tố cáo nhưng không được giải quyết.
Đằng sau sự lộng hành là thiếu minh bạch về tài chính. Trưởng BQT tự ý nâng giá bảo trì thang máy lên 40%, đồng thời, cấu kết với chủ đầu tư cũ bắt người dân đóng tiền lắp thẻ từ thang máy. Mỗi căn hộ phải nộp hơn 1,254 triệu đồng (tổng cộng 380 căn hộ là hơn 476 triệu đồng) và buộc phải mua thẻ từ với giá thành cao hơn giá thị trường hơn 4 lần. Phía Công ty Chương Dương còn chèn ép dân cư, nói họ chỉ bán nhà, còn hành lang, lối đi và khu vực chung là của chủ đầu tư nên họ tùy nghi sử dụng. Khu đường chung trở thành bãi xe, không còn lối đi, chủ đầu tư thu lợi trong khi tất cả các khoản phí người dân phải đóng. Vô lý hơn nữa, khi cư dân liên tục yêu cầu tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường để yêu cầu đổi BQT, BQT đã soạn dự thảo thay thế quy chế hoạt động, đưa ra quy định người tham dự hội nghị phải đóng tiền ký quỹ trước. Trong cuộc họp, cư dân chỉ được ngồi nghe, nếu phát biểu trái ý BQT sẽ bị phạt tiền và trừ vào tiền ký quỹ.
“Họ lộng quyền bịt miệng người dân đến mức như vậy thì có phải chúng tôi quá bị bắt nạt, quá đau khổ hay không? Khi mua nhà, chúng tôi là những khách hàng được yêu quý, khi đến ở thì trở thành đối tượng bị bắt nạt”, bà không giấu nổi xúc động.
BQT sai nhưng không thể bãi nhiệm
Ông Nguyễn Tấn Bảo, cư dân chung cư Masteri Thảo Điền (Q.2, TP.HCM), cho biết: Suốt 1 năm qua, cư dân chung cư đã thống kê những sai phạm “rõ như ban ngày” của BQT Masteri Thảo Điền về tất cả Quy chế hoạt động, Quy chế thu chi tài chính được quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD, phản ánh nhiều nơi nhưng không có cơ quan nào giải quyết